Dũng có chất giọng nam cao vừa trong sáng, vừa từng trải. Hỏi ra mới biết Dũng là dân thị xã Quảng Yên - thị xã yên bình bậc nhất miền Bắc, là nơi sinh ra nhạc sĩ Xuân Oanh với hành khúc “19.8” nổi tiếng ngày Cách mạng tháng Tám. Dũng học thanh nhạc của thầy Dương Phú.
Nhờ giọng hát, khi vào Sư đoàn 7 thuộc B2, Dũng trở thành văn công sư đoàn. Có một thời gian làm diễn viên ca nhạc thuộc Đoàn Ca múa Quân đội. Nhưng do sau ngày giải phóng, Dũng đã có gia đình ở Sài Gòn, nên ở Hà Nội chẳng bao lâu, Dũng đành xin rời khỏi quân ngũ về đoàn tụ gia đình. Thế là xong một đời binh nghiệp. Nhưng nghiệp cầm ca thì lại chưa xong. Dũng vẫn không thể nào bỏ được những cuộc nhậu cùng đàn hát vui vẻ, say sưa.
Vậy là mâu thuẫn gia đình xảy ra với người vợ, đẻ cho anh hai đứa con trai, lại có một nơi kiếm tiền ổn định là quầy bán rượu ở phố Hải Triều. Mâu thuẫn giữa mưu sinh và ca hát giữa hai vợ chồng cứ lớn dần. Và việc gì phải xảy ra cũng đã xảy ra. Vào một đêm trở về nhà, sự dằn hắt của vợ khiến Dũng phải xách đàn ra đi không biết đi về đâu. Lúc đau đớn ấy, mới thấy cái thềm xưa nơi quê hương Quảng Yên ngày ấu thơ nó ấm áp làm sao.
Ấm áp nhưng có bao giờ trở về được. Và ca khúc “Thềm xưa” đã được Dũng viết ra trong những thương nhớ đó: “Biết bao giờ mới trở lại thềm xưa/ Nghe lại tiếng cây tre già xõa tóc bên thềm/ xào xạc, xào xạc trong đêm …”. Ca khúc đã giúp cho Dũng có thêm nghị lực, có thêm sự khác biệt trong những đêm hát bar kiếm tiền mưu sinh lang bạt ở Sài Gòn. Nghe “Thềm xưa” Dũng hát, tôi thấy quý chất nghệ sĩ trong anh.
Và tự nhiên thấy gắn bó với Dũng. Thấy tôi gắn bó với Dũng, các bạn tôi là họa sĩ Lê Quân - ông chủ Tổng Công ty Sơn Joton - và nhà thơ Đỗ Nam Cao thương quý anh. Lê Quân đưa Dũng về làm kênh truyền hình SNTV của Tổng Công ty. Vậy là Dũng thoát khỏi những ngày phấp phỏng hát bar nuôi thân.
Nhờ làm ở SNTV, Dũng đã lọt mắt xanh của một kế toán. Và họ đã thành gia đình, có một cậu con trai giờ được 3 tuổi. Vừa làm SNTV, Dũng vừa đi hát bar, chủ yếu là để thỏa ước cầm ca, cũng là để kiếm thêm tiền sữa nuôi cậu nhỏ. Tuy nhiên vẫn là để có thể hát “Thềm xưa” từng ngày để nhớ về thềm xưa nơi xa đất Quảng Yên.
Vào dịp giữa tháng 11 vừa rồi, Dũng về Quảng Yên sang cát cho ông già. Thấy có dịp về thềm xưa của Dũng để nghe Dũng hát “Thềm xưa” ngay tại đó, Ngọc Phương và Hải “bạc” - những người bạn của Dũng ở Sài Gòn - lên đường theo Dũng về Quảng Yên ngay. Còn tôi và Quang - bạn tôi ở Hà Nội - cũng rong ruổi về cùng ngày. Chuyến “phượt” cho tôi trở lại bến Phà Rừng sau đúng nửa thế kỷ xa.
Lạ kỳ là khi đến bến phà, tôi thấy bến phà mênh mang hồi ấu thơ nhỏ bé lại trước tuổi già. Chuyến phà qua sông uể oải, chậm chạp như cố cho tôi hồi ức lại những quá vãng cũ. Chẳng thể ngờ được nơi đây đã từng là chiến địa đánh quân xâm lược từ thời Ngô Quyền, thời Trần với những cọc nhọn gỗ bịt sắt hào hùng đã đi vào ca khúc của Hoàng Quý, Văn Cao, Lưu Hữu Phước.
Chẳng thể ngờ bên con sông lịch sử ngàn đời lại có một thềm xưa của Dũng lặng lẽ bước vào ca khúc của chàng nghệ sĩ ly hương. Phà đang giữa dòng, đã thấy dáng Dũng và Hải “bạc” đứng ngóng đợi bồn chồn phía bờ bên Quảng Yên. Chúng tôi cập bờ và rẽ về thềm xưa của Dũng chừng 2 cây số.
Thềm xưa có một ngày đặc biệt. Chẳng những đón “đứa con xa đã tìm về nhà” sau bao ngày rong ruổi phương Nam mưu sinh mà còn đón cả những người mến mộ nó cùng ca khúc mà người bạn ở đó đã viết ra: “Thềm xưa ơi thềm xưa in dấu chân bao mùa/ Thềm xưa ơi thềm xưa…”. Cũng là giai điệu đó, mà sao khi nghe Dũng hát tại thềm xưa của mình, thấy giai điệu vặn xiết vào lòng người nghe một cái gì khôn tả.
Nó cũng hệt như khi ta nghe giai điệu Điện Biên ở Điện Biên, Hà Nội ở Hà Nội, Hải Phòng ở Hải Phòng… Nó khiến người nghe thêm những tưởng tượng khôn cùng về một giai điệu hữu hạn. Nó không những làm cho những người “phượt” như chúng tôi thấy cảm động mà còn khiến cho những bạn bè của Dũng, đã thân quen thềm xưa như Dũng hồi ấu thơ rưng rưng khôn tả. Thế mới thấm thía những thăng hoa thành thật từ những sự sống thực thường ngày. Thế mới thấy nghệ thuật đã chắp cánh cho hiện thực bay cao tới chừng nào.
Dũng vẫn hát say sưa. Bao nhiêu rượu cũng không đủ cho ngày kỳ ngộ tuyệt vời với thềm xưa. Ngó sang, thấy mặt mẹ già Dũng ngấn lệ. Ngó sang, mới thấy mắt cô em gái xa xứ từ nước Pháp trở về hoen ướt. Mới thấy thật hữu hiệu câu thơ của Nam Hà: “Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt”. Nước mắt cũng đang rớt rơi trong lòng chúng tôi, những người từng chia sẻ với Dũng những năm xa nhà, những khoảnh khắc cô liêu nơi đằng đẵng nhớ mong.
Có gì đó khiến ta thêm đồng cảm với “Trở về Soriento” của Ý, “Trở về cố hương” của Nga, “Hastamanana” của nhóm Abba, “Bahasmama” của nhóm Boney-M … Càng đồng cảm với “Về thăm mẹ” của Trần Chung, “Về quê” của Phó Đức Phương… Ai trong đời chẳng có một thềm xưa ấu thơ mà không bao giờ thực sự trở về được.
Nguyễn Thụy Kha