“Zen” trong tiếng Nhật có nghĩa là “thiền”, hướng đến sự đơn giản tinh khiết. Ở Nhật và các quốc gia tiên tiến, zen đã được kết hợp để hình thành một số dịch vụ mới nhằm mang lại cho mọi người giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc bận rộn. Gần đây, xu hướng này đã du nhập VN và được phát triển thành những dịch vụ lạ như trà thiền, cà phê thiền, spa thiền...
Có mặt tại Thanh Sơn trà quán, một địa điểm của CLB Văn hóa Trà VN ở 17 Trần Quý Khoách, quận 1 - TPHCM, chúng tôi được nhân viên hướng dẫn thực hiện 4 quy định khi bước vào trà thất là bỏ dép lên kệ, không hút thuốc lá, tắt điện thoại di động hoặc chuyển sang chế độ rung và nói thật khẽ. Quán có gần 30 loại trà với giá từ 25.000 đồng – 30.000 đồng/loại. Tùy theo từng loại như trà cung đình, trà dũng sĩ, trà quyết minh tử, trà Thiết Quan Âm hay đơn giản chỉ là trà lài, trà sen, trà ôlong... mà có cách pha khác nhau. Trước khi pha trà cho khách ngay tại bàn, nhân viên Nguyễn Thị Thanh Hòa giải thích: Để bảo đảm một không gian đậm chất thiền thì xung quanh phải tĩnh lặng. Khi pha trà, nhân viên không được phép nói chuyện vì tâm phải tĩnh thì pha trà mới ngon. Muốn có một chén trà ngon, người dùng trà cũng phải thực hiện theo từng bước từ thị giác (nhìn màu trà), khướu giác (ngửi mùi trà) và cuối cùng mới là vị giác (uống trà). Không chỉ hướng dẫn cho khách cách pha trà, cách dùng trà mà vào dịp cuối tuần tại đây còn có các buổi hướng dẫn tiếng Anh, yoga, chia sẻ tư duy tích cực và các buổi mạn đàm theo từng chuyên đề cho hội viên của CLB.
![]()
Cách phục vụ ở cà phê thiền, không chăm chút như ở quán trà thiền mà có vẻ thoáng hơn. Cà phê thiền đôi khi chỉ đơn giản ở cách trang trí nội thất, không gian hướng về thiên nhiên phù hợp với các đối tượng yêu thích sự tĩnh lặng. Từ khi dời địa điểm mới về 14 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, cà phê Niết Bàn dường như tịnh hơn từ không gian đến cách phục vụ. Khách vào đây có thể vừa nhâm nhi cà phê vừa chiêm nghiệm, suy nghĩ mà không bị làm phiền bởi bất cứ âm thanh nào. Đến quán Ký Ức (14 Nguyễn Chí Thanh, quận 10), ngoài cách bài trí như một làng quê Việt với bụi tre, cây cầu, dòng suối..., những người khách lạ trở nên quen thuộc sau khi đấu với nhau một ván cờ tướng. Quán Tĩnh Lặng (61/2D Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận) thiết kế như một ngôi nhà cổ, thỉnh thoảng vào dịp cuối tuần, khách tình cờ được ông đồ tặng chữ, bà lão mời chè... Tại đây còn có khu triển lãm ảnh, thư pháp và vườn sinh thái.
Mai Vân (NLĐ) |
|