Thành phố du lịch được bao bọc bởi hàng trăm hecta thông này có nhiều quán cà phê lớn nhỏ với chừng ấy phong cách khác nhau. Nằm ngoài trào lưu quán sành điệu của giới trẻ, có những nơi rất cũ kỹ nhưng chứa đựng biết bao kỷ niệm của những ai đã từng sống hoặc từng đặt chân đến phố núi này.
Cà phê Tùng – dấu Bắc giữa lòng phố núi
Quán nhỏ hẹp nằm lọt thỏm giữa khu Hòa Bình thoạt nhiên cũ kỹ và chẳng có gì đặc biệt. Ít người biết đây là lại một trong những quán lâu đời nhất nhì đất Đà Lạt với chủ là người Bắc di cư vào đã hơn nửa thế kỷ. Quán lấy tên của chủ quán - chú Tùng, là nơi hội ngộ của các nghệ sĩ lẫy lừng một thời như Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên và vẫn còn lui tới cho đến tận bây giờ như nhiếp ảnh gia được mệnh danh “Phước Khùng” – MPK. Giữa lòng phố thị, nơi đây chứng kiến bao đổi thay của thời cuộc, là nơi ra đời những ca khúc của cố nhạc sĩ họ Trịnh, nơi chứng kiến kỷ niệm lần gặp gỡ đầu tiên giữa vị nhạc sĩ đa tình và cô nữ sinh 17 tuổi khi ấy hãy còn là Lệ Mai, trước khi xuống Sài Gòn trở thành ca sĩ Khánh Ly.
Ngồi ở Tùng rất dễ bắt gặp các nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia. Ảnh: Hoàng Phố |
Bàn ghế ở Tùng cũ kỹ, cầu thang sắt gỉ sét bám bụi thời gian. Nội thất bày trí bằng những chiếc bàn thấp, hàng ghế nhỏ bọc nệm như kiểu cách cà phê cóc miền Bắc những thập niên trước để khách có thể ngồi san sát đối diện nhau cho ấm cúng.
Ở Tùng, vẫn giữ được truyền thống như hơn 50 năm qua là những bản nhạc trữ tình thai nghén và cất lên giữa một thời hoa mộng. Những tình khúc Vũ Thành An, Ngô Thụy An, Trịnh Công Sơn thay nhau hát lên suốt những năm qua và chưa hề thay đổi, gầy dựng nên bản sắc chỉ riêng của Tùng. Ngày xưa, bên tách cà phê nóng khói nghi ngút quyện trong tiết trời se lạnh, các thi sĩ chọn Tùng làm nơi lai vãng, gặp mặt bạn bè, đàm đạo thơ ca để lấy cảm hứng viết tác phẩm của mình. Biết đâu, những thi sĩ tài hoa trầm mặc nép mình bên góc ấy lại gật gù nghe chính những bản nhạc của mình sáng tác tại nơi này thì sao.
Toàn cảnh Đà Lạt từ Dalat Night
Nằm trên ngọn đồi cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt, giáp ranh giữa chân đèo Prenn và bến xe liên tỉnh, từ cà phê Dalat Night có thể nhìn ra toàn cảnh Đà Lạt. Quán nằm chơ vơ giữa con đường hoang vu dẫn lên một khu biệt thự mà phải để ý lắm mới tìm ra lối lên.
Ngắm cảnh hoàng hôn thành phố ở Dalat Night. Ảnh: Dalatnews |
Đúng như cái tên của quán, Dalat Night ban đêm nhìn ra thành phố huyền diệu và nên thơ. Chủ quán đã rất tinh ý ốp kính vào các vách của quán để đa phần các vị trí ngồi đều có thể nhìn ra ngoài. Những đêm sương dày, từ trên cao nhìn xuống đèn thành phố lập lờ khuất trong sương như ảo mộng. Ngày mưa, thành phố buồn ướt sũng nước như cô nàng ủ rũ. Quán càng thêm vắng những ngày trời trở lạnh, từ trên cao nghe rõ tiếng gió rít, những ngày mưa thưa người khách ngồi nép vào nhau bên tách trà nóng hổi để cùng quây quần trong tiếng piano hàng đêm. Không khí ấm cúng dễ đưa vài vị khách cao hứng lên rải vài phím đàn. Không quá ồn ào trong phân khúc chung những quán ở Đà Lạt nhưng Dalat Night là nơi khiến người ta nhớ thương và lại muốn đến thăm mỗi khi đến thành phố sương mù.
Quán có chơi nhạc mỗi tuần, thức uống đa dạng và đồ ăn ngon.
Cung Tơ Chiều
Nằm trơ trọi trên một đồi thông gần Dinh 3, Cung Tơ Chiều là quán cà phê duy nhất tại khu vực đó, chỉ hoạt động 3 tiếng vào ban đêm. Không có lối lên, đường vào không có đèn, bao quanh quán là một màn đêm tối sẫm. Quán chỉ bật thứ đèn vàng hiu hắt, giới hạn nhiều về không gian và âm thanh nên lúc nào cũng bao phủ một không khí âm u. Điều đó không ngăn được người ta tìm đến quán.
Cung Tơ Chiều nhỏ hẹp, ấm áp khiến không khí âm nhạc được lưu giữ trọn vẹn. Ảnh: baodulich |
Lãng khách gọi Cung Tơ Chiều là “cà phê điên” cũng không sai. Bà chủ của quán kiêm ca sĩ hát chính, chị Xuân Giang được bạn bè và khách quen ưu ái gọi là “Giang điên” bởi phong cách âm nhạc của chị. Quán cố tình sắp xếp các dãy bàn ghế sao cho tất cả chỗ ngồi và hướng nhìn đều hướng về phía cây đàn piano, nơi ca sĩ chính sẽ vừa đàn ghita vừa hát, thi thoảng hớp một ngụm rượu và không thiếu điếu thuốc trên tay. Người nghệ sĩ khi say trong âm nhạc không thể thiếu bạn hữu, mà bạn hữu đôi khi chỉ là vài thứ làm cho họ thoát ra khỏi vướng bận để toàn ý phiêu trong thế giới âm thanh của họ.
Hình tượng người phụ nữ tóc xù ôm cây guitar tay đàn tay rít thuốc, giọng hát của bà chủ quán từ mười mấy năm nay đã là thứ “đặc sản” không riêng của quán mà còn là biểu trưng của đất Đà Lạt. Chất giọng khàn đặc trưng và cực kỳ mạnh mẽ vang vọng trong không gian nhỏ bé của quán làm người ta dễ liên tưởng đến sự pha trộn giữa chất giọng của Khánh Ly và Lê Uyên. Chị thuộc hơn hàng ngàn bài hát đa số là nhạc trữ tình và nhạc vàng, có thể hát khi thích và sẽ ngừng nếu cảm xúc chưa đến. Cảm hứng đôi khi muốn chị hát một mạch, đôi khi mời khách hát để chị đánh đàn rồi tất cả cùng hòa chung giọng hát trong bài hát mà tất cả mọi người đều yêu. Đôi khi chị bỏ dở bài hát giữa chừng, trầm ngâm đàn để một giọng hát trong trẻo, cao vút từ phía trong hát vọng ra. Cô bé con chị đã lớn và bắt đầu khiến người ta say mê lẫn tò mò.
Cung Tơ Chiều được bà chủ đặt ra những quy định cho khách đến quán phải đi nhẹ, nói khẽ và giọng nói không để lớn hơn tiếng hát. Có những lúc cảm thấy chỉ vài chục người là đã đủ cho một không gian âm nhạc, quán đóng cửa không tiếp thêm khách nữa để những người còn lại được say trọn vẹn trong từng khuôn nhạc.
Theo vnexpress.net