Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.
Mấy ngày trước, tôi vào bệnh viện thăm người thân bị ốm và tình cờ gặp được một sĩ tử đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học. Cuộc trò chuyện với cậu bé ngày hôm ấy cứ khiến tôi suy nghĩ mãi không thôi...
Đó là một cậu bé có dáng người cao mảnh khảnh, nước da ngăm đen và đôi mắt đờ đẫn ẩn sau cặp kính cận dày cộp. Cậu lặng lẽ ngồi trong ghế đá bệnh viện, khuôn mặt suy tư, nhìn xa xăm về phía chân trời, chốc chốc lại đưa tay gạt nước mắt. Tôi tiến lại gần bắt chuyện với cậu.
– Cậu bé, em đang gặp chuyện gì à? Chị có thể giúp gì được không?
Vội đưa tay gạt nước mắt, cậu bé nói khẽ:
– Cảm ơn chị. Em chỉ đang suy nghĩ một chút thôi.
– Em có muốn chia sẻ với chị không? Chị không chắc sẽ giúp được gì cho em nhưng có lẽ điều đó sẽ khiến em cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Nước mắt cậu bé chực trào ra, khuôn mặt em lộ rõ vẻ mệt mỏi:
– Em sắp phải thi đại học rồi, em sợ lắm. Em mệt quá chị ạ. Em ghét học…
Tôi chăm chú lắng nghe câu chuyện của cậu. Nhìn gương mặt gầy rộc, dáng vẻ mệt mỏi và đôi mắt buồn rười rượi của em, tôi thương em lắm.
Em mệt quá chị ạ. Em ghét học lắm… (Ảnh: Society19)
Nhà em ấy ở quận 12 nhưng mỗi ngày em đều phải đi xe bus tới quận 1 để học thêm. Một ngày của em đều bắt đầu từ 5h30 sáng cho tới 11h đêm. Em liên tục bị thiếu ngủ và đau dạ dày. Nhưng em không ngại khó, không sợ khổ. Dù phải học nhiều hơn nữa em cũng chịu được. Điều khiến em thực sự mệt mỏi là những áp lực vô hình từ sự kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô và sự so sánh với bạn bè.
Em là lớp trưởng, là học sinh gương mẫu, suốt 12 năm đi học đều đạt học sinh giỏi. Thế nhưng bây giờ, chỉ 1 tháng nữa thôi là kỳ thi THPT Quốc gia bắt đầu, em lại cảm thấy mình kém cỏi vô cùng. Em sợ sẽ làm những người tin tưởng mình phải thất vọng, em sợ sẽ bị điểm kém trong kỳ thi, sợ ánh mắt phán xét của mọi người nếu em không vào được đại học.
Và rồi, khi không chịu nổi những áp lực đó, em đã dại dột tìm đến cái chết để giải thoát cho chính mình. Cũng may, bố mẹ em phát hiện ra và kịp thời đưa em đến bệnh viện. Nhưng mà, đối với em bây giờ, bầu trời phía trước toàn là một màu xám xịt, em hoàn toàn lạc lối không biết rồi mình sẽ thế nào. Em thậm chí còn không dám động đến sách vở, cứ nhìn thấy chúng là đầu em choáng váng, em mệt quá rồi, em ghét phải đi học.
– Nếu em trượt đại học thật thì sẽ như nào chị nhỉ?
– Thì cũng như chị thôi.
Tôi bất giác mỉm cười khi nghĩ về những suy nghĩ ngốc nghếch của mình 10 năm trước, khi tôi bị rớt trong kỳ thi đại học. Tôi kể lại với em những gì mình đã trải qua, về những đau khổ đã từng đối diện và tôi đã mạnh mẽ vượt qua chúng như thế nào.
– Chị thấy mình thật may mắn khi trượt đại học và chị tự hào vì mình đã vượt qua nó. Tin chị đi, trượt đại học chẳng đáng sợ như người ta vẫn đồn thổi đâu!
Em nhìn tôi cười, chúng tôi cùng nhau cười, bỗng chốc cảm thấy những suy nghĩ tiêu cực chẳng là gì nữa. Trượt đại học thì trượt thôi. Đại học có phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công và hạnh phúc đâu. Cuộc đời này có bao nhiêu ngã rẽ, đâu nhất thiết phải cố chấp chọn một con đường.
Trượt đại học chẳng đáng sợ như người ta vẫn đồn thổi đâu! (Ảnh: baomoi)
Tôi chợt nhớ về cái thời ôn thi vào đại học, trước ngày thi bố mẹ dậy từ rất sớm nấu xôi đỗ xanh, phải là đỗ xanh hoặc đỗ đỏ, chứ không xài đỗ đen. Rồi nào là kiêng không được ăn lạc vì dễ làm lạc đề, không được ăn trứng vì sợ bị điểm 0, còn không được ăn cả chuối vì sợ sẽ… trượt vỏ chuối. Suốt hàng tháng trời, hàng năm trời, ông bà, chú bác đi qua, ai cũng chúc “thi tốt”, “thi đậu”…
Ba mẹ thao thức, đi nhẹ, nói khẽ. Thầy cô lo lắng chuẩn bị ôn thi, tập huấn đủ thứ đủ loại cho học trò. Những sĩ tử chúng tôi luôn cảm nhận được sự kỳ vọng nặng như núi đó. Nặng lắm! Tôi sợ tới mức phải nhập viện ngay trước lúc vào thi, một vài người bạn của tôi cũng vậy. Thế rồi, tôi trượt đại học và vẫn sống tốt đến tận bây giờ. Nếu thi đại học có thể quyết định tất cả thành bại của đời người thì người ta chỉ cần sống đến 18 tuổi là đủ rồi sao?
" Học sinh thi trượt nhưng nhân cách học sinh tốt vẫn ổn. Nó có thể thấp điểm Toán, Lý nhưng Âm nhạc, thể thao tốt là được. Thậm chí học xong đi học nghề cũng có thể làm một ông thợ tốt. Con đường của học sinh THPT không chỉ duy nhất có đại học, còn có rất nhiều thứ khác trong cuộc sống để chinh phục."
(Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie)
Học để sống tốt, chứ đừng học để… chết
Cách đây không lâu, truyền thông trong nước cũng đưa tin về sự việc một em học sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự tử vì áp lực học tập, vì em thấy mình chưa đáp ứng được kỳ vọng của gia đình, cho dù điểm học tập kỳ 1 của em là 8,9.
Dù vẫn biết cha mẹ nào cũng yêu thương con, mong muốn con học hành chăm chỉ, đỗ đạt thành tài, nhưng có lẽ đã đến lúc các bậc phụ huynh nên xem xét lại về việc đã đặt quá nhiều áp lực lên vai những đứa trẻ còn quá ngây thơ, non nớt. Cái chết của cậu bé chắc chắn là nỗi đau khôn nguôi của gia đình, là sự day dứt sẽ ám ảnh mãi về sau cho những người ở lại, cũng là một lần nhắc nhở cả cộng đồng hãy đặt trọng tâm cho đúng vào việc học. Thiết nghĩ việc học cũng giống như bạn đi trên một chuyến tàu, có người ngồi ghế hạng sang, có người chỉ ngồi ghế thường, thậm chí có người còn phải đứng.Thế nhưng, khi mọi người xuống sân ga, ai nhanh chân hơn người ấy sẽ tìm được vị trí tốt.
Việc học cũng giống như bạn đi trên một chuyến tàu. (Ảnh: quantrimang)
Thực ra, không chỉ việc học mà bất cứ thử thách hay khó khăn nào trong cuộc sống cũng vậy. Chúng dù sao cũng chỉ là một phần trong cuộc hành trình bạn cần đi, và bạn không có lý do gì để kết thúc cuộc hành trình ấy quá sớm, bởi sự ra đi của bạn hoàn toàn không phải là một sự giải thoát, mà còn khiến những người thân yêu, những người rất cần bạn phải tổn thương, day dứt.
Xin kể lại cho bạn một câu chuyện như sau:
Xưa có một chàng trai trẻ luôn thất bại trong cuộc sống, cậu không kiếm được tiền và ngày một cảm thấy chán nản. Một đêm, cậu ta cuối cùng không còn đủ can đảm để sống tiếp nữa và đi đến một vực thẳm, dự định nhảy xuống để chấm dứt khổ đau.
Trước khi tự tử, cậu ta khóc rất lớn và hồi tưởng lại tất cả những khổ nạn trong suốt cuộc đời của mình. Trên một tảng đá cạnh bờ vực có một cái cây còi cọc. Sau khi nghe chàng trai khóc lóc, kể lể, cái cây cũng khóc vô cùng thảm thiết. Thấy cái cây cũng khóc, cậu ta ngạc nhiên hỏi: “Cây cũng khóc ư? Có phải cây cũng chịu đựng nhiều đau khổ như tôi không?”
Cái cây nói: “Tôi là một cái cây đau khổ nhất trên thế gian. Nhìn tôi đi, sống trên cái tảng đá, chỉ toàn là đá, không có đất để sinh sản và không có nước để uống. Tôi không đủ ăn suốt đời. Hoàn cảnh đau khổ này làm các cành cây của tôi không nẩy nở được tốt, vì thế trông tôi rất thảm hại từ lúc mới sinh ra. Gốc của tôi rất cạn làm cho tôi luôn sợ gió bão, và không thể chịu nổi cơn lạnh trong mùa đông. Thật ra đời sống của tôi còn cực hơn là chết.”
“Tôi là một cái cây đau khổ nhất trên thế gian” (Ảnh: Pictorem.com)
Chàng trai không thể chịu được nữa vì quá thương hại cho cái cây bèn nói: “Nếu như vậy thì tại sao cây không kéo thân ra mà chết chung với kẻ thất bại này cho rồi!”
Cái cây nói: “Chết thì dễ lắm, tuy nhiên, không có bao nhiêu cây mọc trên vực này cả, tôi không thể chết được.”
Chàng trai tỏ vẻ ngạc nhiên không hiểu nổi. Cây nói tiếp:
“Cậu có thấy tổ chim trên thân tôi không? Hai con chim nhỏ đã làm cái tổ này. Chúng đã sống và sinh sôi nẩy nở trên thân tôi. Nếu tôi chết đi, thì hai con chim này sẽ sống ở đâu?”
Chàng trai trẻ dường như hiểu được điều gì đó sau khi nghe những lời này. Bước chân cậu cứ thế lùi lại cách ra xa vực thẳm.
Kỳ thực, trong cuộc sống, chúng ta đôi lúc cho rằng bản thân quá thất bại, kém cỏi, vô dụng và không có ai cần đến sự tồn tại của mình nữa. Nhưng chúng ta không phải chỉ sống cho riêng bản thân mình. Ở đâu đó, vào một lúc nào đó, chúng ta vẫn là điểm tựa cho ai đó xung quanh, giống như cái cây kia vẫn trở thành nơi chim làm tổ.
Cuộc sống này, dù có bất hạnh hay đau khổ đến đâu vẫn là một món quà mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Trời xanh an bài những khó khăn, không phải để bạn gục ngã mà chính là để bạn trưởng thành hơn, để bạn học được những bài học cuộc đời, từ đó mà mạnh mẽ hơn. Vậy nên, chúng ta hãy chỉ học để sống tốt hơn, học từ mọi phương diện của cuộc sống chứ không phải chỉ trong sách vở, và đặc biệt, đừng học để…. chết.
Gửi những ai đang chông chênh trên con đường đi tìm hạnh phúc…
Dù bạn đang là một sĩ tử chuẩn bị bước vào một kỳ thi quan trọng, là một người trẻ đang loay hoay tìm công việc yêu thích hay là một vị giám đốc đang dốc sức tìm hướng đi cho công ty…, khi phải đứng trước những ngã rẽ quan trọng của cuộc đời và không biết phải đi hướng nào, bạn hãy đặt tay lên tim mình, lắng nghe điều nó muốn nói, hãy suy nghĩ về những điều tốt đẹp bạn đã trải qua, về những gì bạn đã và có thể làm được cho bản thân, gia đình và xã hội, đừng chỉ nghĩ về những đau khổ hay khó khăn. Khi ấy bạn sẽ đưa ra được những quyết định sáng suốt cho cuộc đời mình.
Bạn biết đấy, trong những năm tháng tuổi trẻ, chúng ta có cả một bầu trời ước mơ và khát vọng phía trước. Và cũng chính trong giai đoạn ấy, ta dễ cảm thấy chông chênh và mơ hồ nhất, dễ tổn thương và chóng bỏ cuộc nhất. Nhưng dù sao thì, tuổi trẻ vẫn là quãng thời gian vô cùng đáng quý trong cuộc đời mỗi người. Tại sao ta không dành những năm tháng ấy để sống thật trọn vẹn, làm những việc tốt đẹp và sống với một trái tim yêu thương, lương thiện, để 5 hay 10 năm sau suy nghĩ lại sẽ không phải hối tiếc, thay vì chật vật đi tìm hạnh phúc ở những nơi xa xôi không với tới được.
Tại sao ta không dành những năm tháng tuổi trẻ để sống thật trọn vẹn, làm những việc tốt đẹp và sống với một trái tim yêu thương, lương thiện. (Ảnh: pinterest)
Giữa dòng người giăng giăng
Tôi hỏi thăm đường về Hạnh Phúc
Người ta chỉ tôi rằng
Có thể đi thẳng, đi xiên, đi tắt, đi vòng
Đến ngã bảy, ngã ba rẽ lối nào cũng được.
Tôi hỏi thăm đường về Hạnh Phúc
Người ta chỉ tôi rằng
Có thể đi thẳng, đi xiên, đi tắt, đi vòng
Đến ngã bảy, ngã ba rẽ lối nào cũng được.
Có nghìn vết xe lăn nhưng đừng dẫm lên vết xe của người đi trước,
Những vết xe kia cũng mới chỉ dò đường.
Người ta dặn thêm rằng
Đừng hỏi thăm nhiều, đừng ham bóng mát
Hãy cứ đi đến tận cùng khao khát
Sẽ thấy đâu là lối của mình.
Những vết xe kia cũng mới chỉ dò đường.
Người ta dặn thêm rằng
Đừng hỏi thăm nhiều, đừng ham bóng mát
Hãy cứ đi đến tận cùng khao khát
Sẽ thấy đâu là lối của mình.
Tôi lựa cho mình Tâm đạo. Rồi đi… (Ảnh: falundafa.org)
Tất nhiên, có kẻ xin đường
Có kẻ thích chọc gậy vào bánh xe người khác,
Có kẻ còi to đòi vượt trước
Có kẻ không học luật bao giờ.
Có kẻ thích chọc gậy vào bánh xe người khác,
Có kẻ còi to đòi vượt trước
Có kẻ không học luật bao giờ.
Tôi miết bàn chân cho chân cứng đá mềm
Rồi tự đan một chiếc sàng khôn mới
Giữa chín phương trời, giữa mười phương đất
Tôi lựa cho mình Tâm đạo. Rồi đi…
Rồi tự đan một chiếc sàng khôn mới
Giữa chín phương trời, giữa mười phương đất
Tôi lựa cho mình Tâm đạo. Rồi đi…
Theo ĐKN