Suốt 150 năm qua, Brazil luôn là nước sản xuất cà phê số 1 thế giới. Những năm gần đây, dù có giảm đôi chút, sản lượng vẫn luôn đạt tầm 3 triệu tấn, hơn gấp đôi so với Việt Nam chúng ta (xếp thứ 2 thế giới). Ở Brazil có đến 220.000 nông trường cà phê, thu hút số lao động lên đến 3,5 triệu người. Thế mà quán cà phê ở đây lại rất hiếm.
Như ở Sao Paulo, thành phố giàu có và phát triển nhất Brazil, ra ngõ là gặp gái xinh. Nhưng phải mất cả chục ngày, đi khắp phố phường mới nhìn thấy quán cà phê đầu tiên, tấm biển có ghi chữ “Café”. Những quán này thì thường nằm ở các khu nhiều dân châu Á hoặc dân Italy gốc.
Hỏi người dân ở đây thì bảo cả thành phố Sao Paulo, vốn có hơn 11 triệu dân, quán cà phê đúng nghĩa chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ở Việt Nam, quán cà phê có mặt khắp các đường phố từ Bắc đến Nam. Vậy có vô lý không khi Brazil vắng bóng quán cà phê?
Ở Việt Nam, quán cà phê là nơi chủ yếu bán cà phê, hoặc bán các loại thức uống như nước cam, sinh tố. Ở một số nước phương Tây, như Italy, quán cà phê là nơi mọi người tìm đến để thưởng thức cà phê và bánh ngọt.
Theo những “định nghĩa” đó thì quán cà phê Brazil hiếm thật. Nhưng ở đây, bất cứ quán nào liên quan đến ăn uống đều có bán cà phê. Quán bia cũng có bán cà phê. Quán đồ ăn nhanh cũng có bán cà phê. Quán bar bình dân luôn có bán cà phê. Cũng có thể mua cà phê ở quán cơm. Nhưng đó không phải là “món chính”. Là phụ mà thôi, như một chai nước lọc.
Người Brazil uống bia suốt ngày. Sáng, trưa, chiều tối, quán xá lúc nào cũng có người ngồi uống bia. Phụ nữ rủ nhau đi uống bia mà không cần cánh đàn ông là chuyện thường. Nhưng cà phê thì khác, gần như chỉ có buổi sáng. Họ tạt vào quán ven đường, mua 1 cốc, vừa đi vừa uống trên đường tới công sở, trường học hoặc tàu điện ngầm. Rất hiếm gặp cảnh vài ba người ngồi nhâm nhi cốc cà phê ở vỉa hè.
Nói thế không có nghĩa người Brazil ít uống cà phê. Gần như nhà nào cũng mua cà phê về rồi tự pha chế. Có thể tìm thấy rất nhiều loại cà phê khác nhau trong các siêu thị, pha chế qua giấy lọc hay pha sẵn đều có. Vị rất khác cà phê Việt Nam, nhưng nguyên chất, không có tình trạng pha bột ngô. Mức giá cũng tương đương ở Việt Nam, còn nếu so với mức sống ở đây thì vẫn được xem là thấp.
Brazil hiện là nước tiêu thụ cà phê lớn thứ hai thế giới và dự tính sẽ vượt Mỹ trong vài năm tới mà thôi.
Thể thao & Văn hóa