CÀ PHÊ, CAFÉ hay COFFEE?… Café hay coffee hay thậm chí là kafe, cà fê tất cả đều có phải là tên gọi của cà phê hay không?
Và tại sao lại có nhiều tên gọi như vậy? Theo dòng thời gian và truyền thuyết về sự sinh ra của cà phê, thì Ethiopia là nơi phát hiện ra cà phê đầu tiên trên thế giới.
Bunna: Tiếng Ethiopia. Khi cà phê bắt đầu trở thành một thứ hàng hoá trao đổi, Bunna được thay thế bằng “Kaffa". Và chính Kaffa là tên gốc cho cà phê, café hay coffee của sau này.
Café: Tiếng Pháp (được dùng cả tại Anh). Phải gần một thế kỷ phát triển, cà phê mới bắt đầu vươn mình ra khỏi lãnh thổ châu Phi, theo dấu xe ngựa của những người lái buôn, cà phê đến Ai Cập, sang Thổ Nhĩ Kỳ và vượt Địa Trung Hải, Biển Đen và đến Ý vào đầu những năm 1600. Sau đó, từ Venice, “caffé” sang Pháp và chính thức trở thành một danh từ riêng trong tiếng Pháp - “Café" giữa thế kỷ 17. Coffee: Tiếng Anh (dùng rộng rãi ở các quốc gia dùng Tiếng Anh như Mỹ, Úc, Canada,...). Cà phê lan rộng sự phổ biến của mình khắp Châu Âu chỉ trong vòng nửa thế kỷ, “Koffie” của Hà Lan, “Kaffe” của Đan Mạch, “Kahvi" của Phần Lan... và thông dụng nhất chắc chắn là Coffee của Anh.
Và cuối cùng là “Cà Phê" của Việt Nam: Cà Phê bắt nguồn từ “Café” trong tiếng Pháp. Gần 100 năm đặt nền cai trị Đông Dương, Pháp đã mang không ít những nét văn hoá thế giới du nhập vào Việt Nam, trong đó phải kể đến cà phê. Những năm đầu tiên, vì phục vụ cho chính nhu cầu của người Pháp và nhìn thấy khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam thuận lợi, Pháp đã cho trồng cà phê trên quy mô lớn khắp cả nước. Từ đó, cà phê dần gắn chặt với con người, văn hoá Việt Nam và trở thành một nét đẹp ẩm thực của người Việt. Nhiều cách gọi khác nhau chứng tỏ cà phê đi đến đâu cũng nhận được sự ưu ái, trân quý của con người, và quốc gia nào cũng muốn dùng chính ngôn ngữ của mình để gọi tên thứ thức uống tuyệt vời kia. Dù là Cà Phê, Café hay Kaffe, Coffee… thì đều mang nghĩa không chỉ là một thứ thức uống nâu đen, đắng đắng mà đó còn là một nét văn hoá quốc gia, một giá trị tinh thần khi thưởng thức.
SƯU TẦM